Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the wordpress-seo domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/nghea988/public_html/wp-includes/functions.php on line 6114
GIẢI ĐÁP 8 THẮC MẮC THƯỜNG GẶP KHI ĐIỀU TRỊ MỠ MÁU - Nghệ An Hospital
BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN - GIAI ĐOẠN 2
Hotline: 0238 397 6666 tiktok zalo
logo
icon-rebuild.svg
WEBSITE ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG & HOÀN THIỆN
Chi Tiết Tin Tức

GIẢI ĐÁP 8 THẮC MẮC THƯỜNG GẶP KHI ĐIỀU TRỊ MỠ MÁU

Bệnh mỡ máu là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…Trong quá trình điều trị mỡ máu, có không ít thắc mắc về việc sử dụng thuốc, chế độ ăn uống,…Dưới đây là 8 thắc mắc thường gặp khi điều trị mỡ máu được Ths.Bs Lê Bảo Trung (Khoa Nội tổng hợp) giải đáp.

 

1. Xét nghiệm mỡ máu có cần nhịn ăn không?

Không ít người thường nhịn ăn buổi sáng hoặc nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm mỡ máu để kết quả chuẩn xác hơn. Tuy nhiên trên thực tế, xét nghiệm mỡ máu không nhất thiết phải luôn vào buổi sáng hay lúc đói. 

Chỉ số quan trọng nhất của xét nghiệm này là “LDL-C” gần như rất ít thay đổi bởi việc ăn uống cũng như các thời điểm khác nhau trong ngày. Trong khi đó “Triglyceride” – chỉ số dễ bị ảnh hưởng nhất thì hiện nay đã không còn đóng nhiều vai trò trong điều trị. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh các chỉ số mỡ máu thực hiện ở thời điểm bất kỳ sẽ có giá trị tiên lượng tương đương, thậm chí tốt hơn khi so với làm lúc đói như trước đây.

Bệnh nhân chỉ nhịn ăn để làm xét nghiệm mỡ máu trong trường hợp xét nghiệm lần đầu tiên, bệnh nhân đã có tiền sử Triglyceride cao (>4.5mmol/l). Điều này có thể gây ra sai số các chỉ số còn lại trong bộ xét nghiệm mỡ máu hoặc xét nghiệm trả về có kết quả Triglyceride rất cao (>10mmol/l) gây tăng nguy cơ viêm tụy cấp, những trường hợp nghi ngờ có rối loạn mỡ máu có tính chất gia đình.

Ngoài ra bác sĩ có thể nhắc bệnh nhân nhịn ăn sáng để xét nghiệm trong trường hợp cần xét nghiệm cả mỡ máu kèm với đường máu lúc đói. Việc xét nghiệm theo dõi hiệu quả điều trị mỡ máu ở những trường hợp thông thường khác hoàn toàn không cần phải nhịn đói và có thể thực hiện ở các thời điểm khác trong ngày.

 

2. Thuốc mỡ máu phải uống vào buổi tối?

Đây là nguyên tắc khá cổ điển xuất hiện kể từ khi những thuốc Statin (một nhóm thuốc chính trong điều trị mỡ máu) thế hệ cũ ra đời. Những thuốc này có tác dụng ngắn, một số thuốc thậm chí phải dùng 2 lần/ngày. Do đó, để tối ưu hiệu quả của thuốc, người ta thường khuyên bệnh nhân nên dùng thuốc vào thời điểm thuốc hoạt động hiệu quả nhất, cụ thể là buổi tối. Những loại thuốc Statin đó hiện tại vẫn được kê đơn khá thường xuyên như: Lovastatin, Fluvastatin, Simvastatin. Trong đó Lovastatin nên uống vào buổi tối, tốt nhất là trong bữa ăn; còn Fluvastatin và Simvastatin lại nên uống vào trước giờ đi ngủ. Một số loại thuốc cũng là Lovastatin nhưng được điều chế có tác dụng kéo dài hơn thì có thể uống trước khi đi ngủ, còn Fluvastatin giải phóng kéo dài nên có thể dùng bất kỳ lúc nào trong ngày.

Hiện nay, các loại thuốc Statin thế hệ mới với tác dụng kéo dài cả ngày đã được điều chế thành công, ví dụ như Rosuvastatin và Atorvastatin, vì vậy bệnh nhân chỉ cần uống thuốc vào một thời điểm cố định trong ngày, có thể trong bữa ăn hoặc xa bữa ăn, miễn là thuận tiện cho bệnh nhân.

 

3. Người bị mỡ máu có nên kiêng tuyệt đối dầu mỡ?

Bạn thường nhận được lời khuyên rằng cần phải giảm ăn mỡ như một phần của chiến lược thay đổi lối sống để giảm chỉ số mỡ máu. Tuy nhiên, mỡ hay chất béo có rất nhiều loại, liệu có phải loại nào cũng có hại không? 

Trên thực tế, chất béo là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn cho một cơ thể khỏe mạnh. Ngoài cung cấp năng lượng, chất béo còn là chất hòa tan cần thiết cho nhiều vi chất trong cơ thể, đồng thời chất béo cũng tham gia trực tiếp vào nhiều cấu trúc cũng như chức năng quan trọng khác. Trong các loại chất béo, chất béo chuyển hóa (trans fat) chính là loại mà chúng ta cần giảm tối đa việc thu nạp nhất. Chất béo chuyển hóa chủ yếu tới từ quá trình hydro hóa dầu thực vật (80%). Ngoài ra, chúng cũng có trong tự nhiên ở thịt và ruột của động vật ăn cỏ. Vì vậy, lời khuyên là chúng ta hãy tránh các món đồ xào, chiên rán, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn (gà rán, khoai tây chiên, snack, mì ăn liền,…), các loại bánh nướng, bánh gato, bánh quy,…

Ngoài ra, chất béo bão hòa cũng được xem là “xấu” và nên hạn chế thu nạp. Nhưng không nên tránh hoàn toàn. Ở người khỏe mạnh, lượng chất béo bão hòa nạp vào nên được cá thể hóa theo thể trạng từng người, nhưng nhìn chung không nên nhiều hơn 35 – 40% tổng lượng calories hàng ngày. Ở những người có rối loạn mỡ máu, lượng chất béo bão hòa nên giảm xuống nhiều hơn (dưới 7 – 10% tổng calories). Chất béo bão hòa chủ yếu có trong mỡ động vật, thịt, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa.

 

4. Người đang điều trị mỡ máu ăn nhiều bưởi có sao không?

Không nên ăn bưởi khi đang sử dụng một số thuốc Statin. Theo một số khuyến cáo trong tài liệu y khoa, bưởi có chứa thành phần Furanocoumarins gây ức chế một trong những enzyme chuyển hóa chính của thuốc. Dẫn tới nồng độ thuốc tăng cao trong máu và gây ra các tác dụng phụ khi sử dụng. 

Ngoài bưởi thì các loại quả cùng họ như cam, chanh,…cũng có chứa chất này nhưng với hàm lượng thấp hơn nhiều. Mặc dù không có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra mức độ tác động của các loại quả này lên tương tác thuốc Statin nhưng lời khuyên đưa ra vẫn là không nên ăn quá nhiều bưởi, cam, chanh,…khi bạn sử dụng các thuốc Statin như Atorvastatin, Lovastatin, Simvastatin,…hoặc có thể chuyển qua các thuốc không bị tương tác này như Rosuvastatin.

 

5. Mỡ máu trong giới hạn bình thường (theo như kết quả xét nghiệm) thì không cần phải điều trị?

Trên thực tế, giới hạn bình thường để tham chiếu trên tờ kết quả xét nghiệm chỉ dành cho đa số đối tượng được xem là “khỏe mạnh” mà thôi. Một chỉ số mỡ máu nằm trong khoảng tham chiếu này có thể sẽ “không ổn lắm” khi bạn lớn tuổi hơn, hay đang mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh lý xơ vữa mạch máu, bệnh mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ não,…

Lý do là vì khi có những vấn đề sức khoẻ trên, nguy cơ gặp các biến cố về tim mạch (ví dụ như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não và nhiều thứ nữa) trong tương lai sẽ tăng lên. Và sau rất nhiều nghiên cứu, người ta chứng minh được rằng nếu giảm được chỉ số mỡ máu của bản thân xuống thấp hơn nữa, các nguy cơ này cũng sẽ giảm theo. Điều đó có nghĩa là thuốc hạ mỡ máu có vai trò phòng ngừa nhiều hơn.

Đó cũng là lý do ngày nay các tài liệu sẽ hạn chế dùng từ “rối loạn mỡ máu” khi nói về chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu. Bởi phần nhiều bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu mặc dù họ không bị bệnh về chuyển hoá mỡ máu, không bị rối loạn mỡ máu. Họ chỉ cần dùng thuốc vì thuốc sẽ giúp giảm các nguy cơ bệnh tim mạch thôi. 

Như vậy có thể nói nôm na rằng, bạn có chỉ số mỡ máu trong “giới hạn bình thường” nhưng với tuổi tác và các bệnh nền của bạn, sẽ tốt hơn cho tương lai nếu chúng ta giảm nó xuống thấp hơn nữa.

 

6. Chỉ số xét nghiệm mỡ máu “đẹp” rồi thì có thể ngừng uống thuốc chưa?

Như đã được trình bày ở trên. Việc sử dụng thuốc Statin có hay không có phối hợp các thuốc hạ mỡ máu khác ngày nay đóng vai trò chính là dự phòng các biến cố tim mạch. Do đó nếu không vì bất kỳ một lý do bắt buộc nào, thuốc nên được duy trì vô thời hạn. Mỡ máu đạt mục tiêu hoàn toàn nhờ tác dụng hiện tại của thuốc, việc ngừng thuốc thậm chí có thể gây phản ứng ngược làm tăng cao mỡ máu hơn cả trước khi điều trị. Vậy khi nào chúng ta nên ngưng thuốc? 

(1) Đó là khi bệnh nhân xuất hiện các tác dụng phụ dẫn tới các chống chỉ định của thuốc như: dị ứng, men gan tăng cao, hủy cơ,… 

(2) Mang thai: Các hướng dẫn không khuyến cáo việc kê đơn Statin ở bệnh nhân nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tiền mãn kinh. Cần sử dụng các phương pháp ngừa thai đầy đủ khi dùng thuốc. Hãy báo với bác sĩ nếu có kế hoạch mang thai để có kế hoạch ngừng thuốc. Trong tình huống bệnh nhân vô tình mang thai, thuốc cũng phải được ngừng ngay lập tức để tránh tối đa ảnh hưởng đến thai nhi. Chỉ một số nhóm thuốc điều trị mỡ máu theo cơ chế cô lập acid mật được đồng ý cho sử dụng ở phụ nữ mang thai như colestipol, colesevelam. Các thuốc như ezetimibe hay fenofibrate chỉ được cân nhắc sử dụng nếu lợi ích vượt quá nguy cơ gây hại dưới sự đồng ý của người mang thai sau khi đã giải thích đầy đủ nguy cơ.

 

7. Uống thuốc liên tục nhưng không thấy thay đổi gì?

Vẫn như các câu trả lời trước đó, thuốc điều trị mỡ máu nhằm mục đích dự phòng biến cố tim mạch là chính. Vì vậy, việc “không thấy thay đổi gì” tương đương với “không có biến cố nào xảy ra”. Điều này được xem là một thành công của việc dùng thuốc. Nếu bạn cần thêm những con số để lượng giá, các nghiên cứu cho thấy với mỗi milimol/L LDL-C giảm được (LDL-C là mục tiêu chính trong điều trị hạ mỡ máu), nguy cơ các biến cố tim mạch (như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não,…) sẽ giảm đi 22%, giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân đi 10% sau 10 năm, 18% sau 20 năm.

 

8. Tôi già rồi thì dự phòng có tác dụng nữa không?

Có hai trường hợp xảy ra, nếu bạn đã có tiền sử mắc bệnh lý tim mạch do xơ vữa (xơ vữa động mạch cảnh, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh động mạch ngoại vi…) việc sử điều trị thuốc mỡ máu vẫn mang lại lợi ích dự phòng kể cả khi bạn > 75 tuổi. 

Nếu bạn không có các bệnh lý tim mạch do xơ vữa, việc dự phòng lúc này là dự phòng tiên phát. Các nghiên cứu cho thấy lợi ích không còn rõ ràng khi bạn >75 tuổi, bất kể bạn có bệnh đái tháo đường hay không. Lúc này các bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ tim mạch tổng thể của bạn để cân nhắc có nên kê đơn điều trị mỡ máu hay không.

 

Nguồn: Ths.Bs Lê Bảo Trung – Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An – Giai đoạn 2.

 

ĐẶT LỊCH KHÁM

VI